Sunday, December 16, 2012

Lễ hội Yên Tử - Một cuộc hành hương về cõi Phật


Lễ hội Yên Tử - Một cuộc hành hương về cõi Phật

PGS-TS Lê Hồng Lý

Viện Khoa học Xã hội Việt Nam

    Những năm gần đây, lễ hội Yên Tử đang thu hút khách hành hương từ khắp mọi miền đất nước và du khách quốc tế. Không chỉ riêng vào mùa lễ hội, mà trong thời gian suốt cả năm, Yên Tử luôn là điểm đến lý tưởng của du khách, không chỉ vì là một khu di tích nổi tiếng, mà còn là một vùng sinh thái lý tưởng đối với con người hiện đại.

    Sau lễ hội chùa Hương, thì lễ hội Yên Tử đang là lễ hội hành hương lớn thứ hai vào mùa xuân ở nước ta với cả quy mô và thời gian trẫy hội. Tham luận của chúng tôi sẽ phân tích những tiềm năng để lễ hội Yên Tử thành một lễ hội trọng điểm trong đời sống văn hoá tâm linh của người Việt Nam trong thời gian tới.

                      Chùa Đồng - Yên Tử


    Những dữ liệu cần thiết

    Khu di tích yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong cả nước. Danh thắng này gắn liền với tên tuổi của vị vua Trần Nhân Tông khi ông nhường ngai vàng đến đây tu hành và lập ra một dòng Phật giáo riêng của nước ta đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Sau này ông được coi là vị tổ đầu tiên của dòng Phật này với tên gọi Điều Ngự giác Hoàng. Khi đến tu hành tại đây, ông đã cho xây dựng một hệ thống hàng trăm công trình gồm chùa, am, tháp… làm nơi tu tập và truyền giảng. Sử sách đã ghi nhận trong thời gian 19 năm tu hành cùa ông khoảng 800 chùa, am, tháp đã được xây dựng trong cả nước, đó là một công việc hết sức đồ sộ. Riêng tịa khu vực Yên Tử, nổi tiếng nhất là ngôi chùa Đồng được dựng trên đỉnh núi Yên Tử cao 1068m nằm trong dãy núi Đông Triều. Từ đây vào những ngày quang mây tạnh, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát cả một vùng Đông Bắc rộng lớn và hùng vĩ của đất nước, đặc biệt là ngắm toàn cảnh vịnh Hạ Long từ trên cao với cảm giác kỳ thú. Hơn nữa, đứng ở đỉnh Yên Tử bên chùa Đồng, du khách thực sự như đang đứng trong mây hay như Nguyễn Trãi viết: “Nói cười ở giữa mây xanh”, đó cũng là một cảm giác thú vị khác mà ít nơi có được.

    Cùng với chùa Đồng, tại khu di tích này còn có cả chục chùa khác và hàng trăm tháp, am nằm rải rác trong một không gian rộng lớn của núi rừng hùng vĩ. Ngoài ngọn tháp cổ cao ba tầng bằng đá và rừng tháp gắn liền với biết bao huyền thoại về vị vua Trần, thì một điều hấp dẫn khách hành hương là những chùa, am, tháp thấy cứ ẩn hiện trong rừng núi làm người ta khi leo núi vừa đến lúc mệt lại hiện ra một di tích, vậy là mọi mệt nhọc lại tiêu tan bởi sự háo hức khám phá bất ngờ. Mỗi di tích đều kèm theo nhiều giai thoại hay những câu chuyện lịch sử có thật càng làm cho du khách thêm tò mò, thích thú. Những điểm nhấn chính là suối Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiên và đểm cuối cùng là chùa Đồng, trên trục chính ấy du khách còn gặp những Tháp Tổ, chùa MỘt mái, chùa Bảo Sái, tượng Yên Kì Sinh, am Ngoạ Vân, bàn cờ tiên, Thác vàng, Thác Bạc, Thiền Viện Trúc Lâm và nhiều am, tháp, thắng cảnh khác…

    Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng AL hằng năm và cũng kéo dài suốt mùa Xuân. Ca dao xưa có câu:
    "Trăm năm tích đức tu hành
    Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu"

    Giống như lễ hội chùa Hương, đi hội Yên Tử xưa kia là một hành trình vất vả, có lẽ vì thế mà đến được những nơi thiêng liêng như vậy trong cuộc đời một con người quả thực là một niêm mơ ước lớn. Vả lại, nếu đi lễ ở những nơi khác, khách hành hương chỉ có thể được chiêm ngưỡng một vài di tích, thì đến đây là cả một quần thể danh thắng, đó là chưa nói đến sự linh thiêng và giá trị lịch sử của nó. Vì vậy, để đi được Yên Tử, với một Phật tử bình thường trước đây là cả một mong ước và khi có điều kiện cũng phải chuẩn bị kĩ và kéo dài vài ngày. Bởi vì, chỉ đi bộ từ chân núi đến được chùa Đồng chiều dài đã hơn 6000m rồi. Cho nên, đi hội Yên Tử xưa thực sự là một cuộc hành hương về đất Phật. Đến đây, du khách được thưởng thức danh lam thắng cảnh, được lễ Phật và nghe giảng kinh, được thanh thản tâm hồn sau những ngày lao động vất vả…

    Tiềm năng của lễ hội Yên Tử trong thời hiện tại

    Trong bối cảnh xã hội hiện đại, lễ hội Yên Tử thực sự có tiềm năng phát triển mạnh mẽ bởi nhiều lý do, mà ở đây chúng tôi chỉ dừng lại ở một vài trong số đó.

    Trước tiên là một trải nghiệm cá nhân khi hành hương đến khu danh thắng nổi tiếng này. Đó là dịp lễ hội mùa xuân 2006, khi chúng tôi lên chùa Đồng thấy có khá nhiều cụ già tuổi trên 60 mà nếu nhìn qua thì khó nghĩ các cụ có thể lên được đây. Với sự tò mò, chúng tôi đã bắt chuyện với một số cụ trong đó để tìm hiểu. Với nét mặt tươi cười hết sức mãn nguyện và sung sướng, hai bà cụ từ Hà Tây (cũ) nói với chúng tôi rằng lúc mới trèo lên, các cụ cũng không biết mình có thể lên tới nơi hay không, nhưng không hiểu sao càng đi càng thấy mình dẻo dai như có người nâng bước, và các cụ cho đó là Phật phù hộ, Phật giúp sức. Sự sung sướng thể hiện trên nét mặt họ thật khó có lời nào tả hết được. Những gương mặt như vậy ta có thể thấy rõ trong số khách hành hương cao tuổi, còn cảm giác tương tự hai bà cụ kia thì tất cả mọi người được hỏi đều có chung như vậy.

                     Hành hương Yên Tử

    Một người bạn của chúng tôi, vốn là người Bắc sống tại TP. HCM bị ung thư vú gần đến giai đoạn cuối, tuy nhiên lúc ấy sức khoẻ chị vẫn còn khá. Dịp đó, chị muốn gia đình cho ra Hà Nội như một lần từ biệt cuối cùng, dù rất lo lắng nhưng để chiều ý vợ, người chồng và gia đình đã đồng ý. Ra Bắc, chị đòi đi Yên Tử, đương nhiên là không ai muốn vì sợ tình trạng sức khoẻ không an toàn. Tuy nhiên, do muốn đáp ứng những ước muốn của chị mà gia đình đã tổ chức chuyến đi này. Điều ngạc nhiên là sau khi đi cáp treo lên đến chùa Hoa Yên, lần lần từng chút một chị đã leo lên đến chùa Đồng. Ngạc nhiên hơn nữa là từ lúc lên được đến đó thái độ chị tỏ ra khác hẳn, vui vẻ, hoạt bát, sảng khoái, nhanh nhẹn cứ như không có bệnh tật gì hết. Sự sảng khoái đó kéo dài cho đến hết cuộc hành trình về Hà Nội như có một phép lạ. Những lo nghĩ, buồn chán như bị tan biến, chị tỏ ra thanh thản hơn nhiều so với trước đó. Cuối cùng chị đã ra đi trong sự thanh thản ấy sau vài tháng. Dù vô cùng thương tiếc, nhưng gia đình cũng cảm thấy được an ủi phần nào về điều đã làm được cho chị.

    Vấn đề ở đây không phải là phép thần thông biến hoá gì của tôn giáo, mà là mặt tâm lý của con người khi tiếp xúc với những tín ngưỡng tôn giáo. Nó đã đem đến cho người ta sự thanh thản và giải toả rất nhiều lo lắng, bức xúc trong cuộc sống. Đó chính là tiềm năng to lớn nhất mà lễ hội Yên Tử có thể đem lại cho con người hiện đại hôm nay. Đặc biệt, trong tình hình xã hội hiện đại như bây giờ, con người đang chịu không biết bao áp lực do cuộc sống đem lại như cường độ công việc, nỗi lo lắng của công ăn việc làm, ô nhiễm môi trường, những bất trắc của cuộc sống…

    Môi trường sinh thái Yên Tử là tiềm năng thứ hai làm cho lể hội này duy trì và phát triển. Đương nhiên, mỗi lễ hội hay danh lam thắng cảnh đều có tiềm năng riêng của nó. Song, ở yên Tử quy mô của nó khác hẳn ở chỗ nó không chỉ đẹp về cảnh quan, mà hấp dẫn bởi mội trường sinh thái với trúc lâm (rừng trúc), với những rừng thông, những cây tùng cổ thụ xen kẽ trong các di tích tôn giáo…. Tất cả những cái đó tạo nên sự u tịch, tĩnh lặng và trong lành, vừa thiêng liêng vừa hoang sơ làm nao lòng các du khách. Đến đây người ta như trút được tất cả để thả hồn trong rừng cây, con suối… để lấy lại sức lực cho những thách thức mới đang đợi họ phía trước. Sự thanh thản ấy sẽ là một liều thuốc vô cùng quý giá. Ấy là chưa kể đến sự hỗ trợ về tâm linh lại càng tăng thêm sự tự tin và sức mạnh trong mỗi con người.

    Điều kiện kinh tế càng ngày càng cho phép du khách đến đây đông hơn, thường xuyên hơn không chỉ vào dịp hội mà trong suốt cả năm. So với trước đây, thì ngày nay từ Hà Nội đi Yên Tử có thể sáng đi tối về, bởi hệ thống giao thông đã rất thuận lợi, nên với 125km độ dài ngày nay là chuyện dễ dàng đi lại. Lấy thí dụ năm 2008 ngày khai hội 16 tháng 1 năm 2008 (tức 10 tháng Giêng AL) đã có tới 17.000 người tham dự, còn theo Ban tổ chức cho biết chỉ trong 10 ngày đầu tháng Giêng đã có tới 100.000 người hành hương về đây.

    Cơ sở hạ tầng những việc tu bổ di tích cũng đóng góp vào sự tấp nập của lễ hội Yên Tử. Đó là dự án nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 18 đã được hoàn thành. Bãi đỗ xe rộng có thể chứa được vài trăm xe khách cở lớn tạo điều kiện cho du khách đến thăm. Hệ thống cáp treo lên gần Hoa Yên được xây dựng năm 2002 và hệ thống cáp treo tiếp theo mới khánh thành năm 2008, đã giúp những khách hành hương không có thời gian lưu lại lâu tại lễ hội rất thuận tiện cho việc thăm viếng. Đặc biệt là sự kiện khánh thành chùa Đồng mới được đúc lại bằng 60 tấn đồng nguyên chất cao 3m, rộng 12m vuông vào đầu năm 2007 làm cho Phật tử cả nước vô cùng hân hoan, phấn khởi. Cùng với chùa Đồng, các di tích và thắng cảnh của quần thể chùa này đang dần dần được tu bổ, tôn tạo ngày một khang trang hơn để đáp ứng được lòng mong mỏi của du khách. Nhân dịp sự kiện “700 năm ngày giỗ của Phật hoàng Trần Nhân Tông (1/11/1308 – 1/11/2008) dựng tượng Trần Nhân Tông trên đỉnh non thiêng Yên Tử; tôn tạo Chùa Suối Tắm, chùa Bảo Sái; hoàn thành việc lập dự án phát triển mở rộng Yên Tử trình Chính Phủ phê duyệt…”[1]

    Một điểm chú ý khác đó là xu thế du lịch hành hương đang ngày càng phát triển ở nước ta. Bên cạnh những niềm tin tôn giáo thì giá trị lịch sử của khu di tích này như một bài học lịch sử đối với tất cả người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài về một triều đại oanh liệt, về một dòng thiền Trúc lâm trong Phật giáo nước ta. Đến đây, du khách được thấy tận mắt những bằng chứng sống của một giai đoạn lịch sử, hơn thế là những giai thoại và câu chuyện gắn liền với các hiện vật còn lại ở đó, như vậy bài học lịch sử càng sâu sắc thêm.

    Cùng với du lịch hành hương là những tuor du lịch kết nối giữa các điểm hành hương và thắng cảnh trong khu vực như Côn Sơn – Kiếp Bạc – Hạ Long – Bạch Đằng… cũng có lễ hội vào dịp đó. Do vậy đây là một tiềm năng lớn mà ngành du lịch đã và đang khai thác triệt để.

    Những tiềm năng văn hoá khác như các nghi lễ và sinh hoạt văn hoá cũng đang dần dần được khôi phục và phát triển, chẳng hạn năm 2008 ngày khai hội đã vang lên “tiếng nhạc Long âm cùng tiếng trống khai hội vang vọng khắp núi rừng cùng Lễ dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng lưu niệm chùa Đồng…[2]. Đặc biệt hơn nữa, trong lễ khai hội năm 2008, “để tạo thêm sắc thái mới, Ban tổ chức đã mang đến cho du khách một tiết mục rất đặc sắc, đó là “múa bài bông” – một điệu múa cổ tương truyền có từ thời Trần, thường được trình diễn tại các đại lễ của triều đình – do 20 diễn viên đến từ Hà Nội thể hiện”[3].

    Bên cạnh những tiềm năng ấy, cũng phải lưu ý đến những bất cập của lễ hội Yên Tử trong thời gian gần đây. Đó là việc tổ chức luồng giao thông trong dịp hội tránh ùn tắc và tai nạn. Vấn đề quy hoạch và quản lý khu vực hội dù thị xã Uông Bí và tỉnh Quảng Ninh đã có không ít cố gắng, song vẫn còn nhiều việc phải làm. Chỉ riêng tình trạng du khách chen chúc nhau khi xếp hàng lên cáp treo có lẽ là nỗi bức xúc nhất năm nào cũng diễn ra.

    An ninh trật tự một địa bàn rộng lớn như vậy cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Núi cao, rừng sâu rậm nên những nguy hiểm và tệ nạn là không thể tránh khỏi từ việc bắt chẹt khách đến những tệ nạn khác. Trên khu vực đình Yên Tử gần chùa Đồng, vách núi thăm thẳm ngay cạnh đó hết sức nguy hiểm đối với khách hành hương, đặc biệt là các người già và học sinh, nên cần có những biện pháp cảnh báo và bảo vệ. Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường rác thải của hàng triệu lượt người trẩy hội. Dù đã có thùng rác, có người dọn vệ sinh, nhưng ý thức của du khách vẫn còn rất nhiều điều đáng trách, nên chăng phải có những quy định và xử phát nghiêm ngặt hơn. Đáng buồn nhất là vách núi bên cạnh chùa Đồng, những vỏ bao hương, tàn nhang, túi nilong, giấy báo… tất cả được người ta xả xuống đó một cách vô ý thức làm mất cảnh quan môi trường và gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tình trạng này cũng thấy trên dọc đường từ chân núi đến đỉnh…

    Như vậy, từ những triết lý của Phật giáo, qua trí tuệ mẫn tiệp của một vị vua anh minh của một trong những triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Việt nam (triều Trần), một dòng Phật giáo riêng của Việt Nam xuất hiện – dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nó đã tồn tại 700 năm và vẫn đang tồn tại hay cũng có thể nói từ triết lý Phật giáo ấy mà các di tích và các sinh hoạt văn hoá xuất hiện vừa bổ trợ vừa làm cho Phật giáo ấy phong phú thêm, góp phần tích cực vào đời sống tín ngưỡng và văn hoá của người dân đất Việt. Trải qua một thế kỉ, nó đã và đang được các thế hệ người Việt vun đắp và phát triển thêm để gìn giữ truyền thống tổ tiên và cũng làm sinh động cho cuộc sống hiện tịa của họ, m,à Hội thảo này chính là một minh chứng của điều đó. Xin kính cẩn nghiêng mình với lòng biết ơn vô hạn của con cháu trước anh linh của đức vua Trần Nhân Tông cùng các vị tiền bối của dân tộc./.

    CHÚ THÍCH: 1,2. Đoàn Minh Huệ - thành Duy, Cõi thiêng Yên Tử ngày khai hội. báo Tiền Phong online, Chủ Nhật, ngày 17/2/2008. 3. V. Phúc, Khai hội Yên Tử (Quảng Ninh): Trời lạnh, hơn 1,7 vạn du khách vẫn kéo về trẩy hội. Báo Sài Gòn giải phóng online, ngày 17/2/2008

1 comment: